Theo đánh giá của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam là một trong những thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp (DN) năng động và tiềm năng nhất toàn cầu, với chỉ số đầu tư M&A dự báo năm 2020 là 102 điểm, đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ với 108,9 điểm.

 

 

Trỗi dậy trong tình hình mới

Trong những năm qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút các nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu DN... M&A cũng là con đường ngắn nhất để các công ty nước ngoài có thể thâm nhập, mở rộng thị trường Việt Nam với hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch, đạt tổng giá trị gần 50 tỷ USD trong hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 có sự suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD, bằng 48,6% so với năm 2019.

Mặc dù vậy, theo dự báo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021, đưa quy mô thị trường trở lại mốc bình thường là 5 tỷ USD. Những đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế là khách quan, dựa trên những kết quả và thành công mà Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn 2016 - 2019 và năm 2020 với những thành công ấn tượng. Việt Nam đã cơ bản đạt được “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát được đại dịch Covid-19 vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, mặc dù trong tình hình khó khăn, nhưng năm 2019- 2020 cũng ghi nhận nhiều thương vụ M&A lớn tại Việt Nam. Về thương vụ đầu tư, nổi bật nhất là thương vụ 2019 giữa KEB Hana Bank và BIDV trị giá 878 triệu USD, thương vụ mua cổ phần Vinhomes của KKR & Temasek trị giá 652 triệu USD. Trong khi đó các thương vụ sáp nhập và mua lại nổi bật nhất trong năm 2019 – 2020 liên quan đến các Tập đoàn tư nhân của Việt Nam, điển hình là Masan mua lại VinCommerce với giá trị thương vụ được ước tính khoảng 5.400 tỷ đồng; thương vụ M&A Vinamilk – GTNFoods với giá trị ước tính trên 1.100 tỷ đồng…

Gỡ nút thắt để phát triển

Đánh giá về xu hướng cũng như cơ hội cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Paul DiGiacomo, Giám đốc điều hành cấp cao BDA Partners cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, ở Việt Nam có rất nhiều mảng có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt là mảng chi tiêu tiêu dùng cá nhân khi người mua nhà ngày càng nhiều. Với một thị trường có lượng dân số trẻ gia tăng, cùng khả năng chi trả ngày càng lớn thì điều này được xem là nền tảng để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư chiến lược thông qua các thương vụ M&A.

Cũng theo ông Paul DiGiacomo, trong tương lai, xu hướng M&A tại Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều các thương vụ giá trị lớn, chuyên nghiệp hơn, các DN cũng sành sỏi hơn trong thiết kế các thương vụ. Đồng thời, thị trường M&A Việt Nam ngày càng phát triển hơn, với xu hướng tăng khối lượng giao dịch và nhiều đơn vị tham gia, đặc biệt là các quỹ đầu tư. Trong đó, mối quan tâm nhiều hơn vào y tế, giáo dục, hạ tầng, giao thông và nhiều ngành mới sẽ có thêm nhiều xu hướng M&A.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để hoạt động này phát triển một cách hoàn hảo, cần có nhiều quy định bảo vệ nhà đầu tư sẽ tạo điều kiện cho các thương vụ M&A bùng nổ ở Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, các DN cần khắc phục những hạn chế liên quan đến vấn đề hậu M&A như pháp lý, tài chính công nợ, lao động... và để thành công trong M&A, bên bán là các DN trong nước cần định giá đúng với giá trị thực.

Ông Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty ASL Law cho biết, một số quy định chưa rõ ràng của Luật Cạnh tranh được cho là rào cản cho việc thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam. Đặc biệt, các thương vụ nhằm nắm giữ từ 30-50% thị phần trong một “thị trường liên quan” phải được thông báo cho Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ công Thương). Các giao dịch dẫn đến thị phần kết hợp trên 50% bị cấm, trừ một số trường hợp nhất định.

Cùng với đó, thông tin về DN mà nhà đầu tư hướng tới còn rất hạn chế và không có công cụ tìm kiếm hữu ích với nguồn dữ liệu đáng tin cậy để nhà đầu tư có thể thu nhập thông tin. Theo ông Khương, các công ty muốn được sáp nhập hoặc bán thường che giấu thông tin kinh doanh bất lợi, các khoản nợ hoặc các tranh chấp, kiện tụng, khiến nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro khi không nắm được thông tin từ phía công ty mà họ dự định đầu tư.

Theo đó, để tạo thuận lợi cho DN khi gia nhập thị trường, năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A. Song song với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương hoàn thiện Chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, với mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại.

Ngoài ra, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài cũng đã được thành lập để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, DN lớn đến đầu tư, nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.

-Bình luận

-Viết bình luận

Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!